Trước mắt, theo thống kê chưa đầy đủ của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), gần như 100% đơn vị đã thiếu việc làm trong tháng 4-5 với tỉ lệ 30-70% công suất (tùy thuộc đang sản xuất cho nhà đặt hàng nào), trong đó thương hiệu càng cao tỉ lệ cắt giảm đơn hàng càng lớn.
Theo nhận định của Vinatex, hiện chưa có tín hiệu nào về thời gian phục hồi, dù mức độ khả quan cho rằng dự kiến sớm nhất đến tháng 6-2020 mới bắt đầu việc phục hồi trở lại. Ngành dệt may cũng phải đối mặt với rủi ro khác khi Trung Quốc tái thiết sản xuất trong bối cảnh cầu thị trường thấp sẽ dẫn tới một đợt giảm giá mạnh toàn cầu, từ đó dẫn đến khả năng đơn giá đặt hàng sẽ giảm trên 20%.
Khả năng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 của Vinatex cũng được dự báo giảm khoảng 20% so với năm ngoái, với công suất đạt khoảng 70-75% nếu việc phục hồi sản xuất trở lại bình thường từ tháng 6 tới.
Đến hết quý 1-2020, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may ước đạt 8,4 tỉ USD, giảm 2,02% so với quý 1-2019.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, sở dĩ mức giảm xuất khẩu của ngành dệt may trong quý 1 chưa nhiều là do các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng của hai quý trước đó, việc giao hàng vẫn diễn ra bình thường cho đến khi cầu đột ngột bị cắt giảm nhận hàng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, EU từ giữa tháng 3-2020 trở đi.
Những khó khăn của các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam nói trên sẽ bộc lộ rõ nét hơn từ quý 2-2020, khi hầu hết các đơn hàng mới đều không được thiết lập và chưa có tín hiệu khôi phục nhu cầu thị trường từ các nhà đặt hàng lớn.